Định nghĩa Thần_học

Có nhiều định nghĩa khác nhau về thần học. Thánh Augustine của Công giáo định nghĩa thần học là những tranh luận, lập luận liên quan đến Thiên Chúa. Richchard Hooker thì cho rằng thần học là khoa học về những điều thiêng liêng. Thần học bắt đầu với giả thuyết cho rằng sự thiêng liêng hiện hữu trong một số hình thái như vật lý, siêu nhiên, tâm lý hay các thực thể xã hội; đó là những sự hiển nhiên xảy ra trong cuộc sống khi con người trải nghiệm về tôn giáo, tâm linh hay trong các ghi chép lịch sử về các trải nghiệm như thế trong suốt dòng lịch sử con người. Việc nghiên cứu các giả thuyết này không phải là 1 phần của các chuyên ngành thần học riêng biệt nhưng được tìm thấy trong triết học tôn giáo, tâm lý tôn giáo và thần kinh học. Với tư cách là 1 khoa học, thần học nhắm tới thiết lập và đào sâu những kinh nghiệm và khái niệm, sử dụng những điều đó để đi tìm bằng chứng cho việc các hữu thể tồn tại và phát triển như thế nào, cuối cùng là đi đến việc khám phá những điều huyền bí.

Các thần học gia sử dụng nhiều hình thức phân tích và lý lẽ (kinh nghiệm, triết học, nhân chủng học, lịch sử) để tìm hiểu, giải thích, kiểm tra, phê bình, bảo vệ hay phát triển bất cứ chủ đề thần học nào. Trong triết học đạo đức và luật tố tụng, các tranh luận thường thừa nhận sự tồn tại của những vấn đề đã được giải quyết trước đó, các tranh luận được nâng cao bởi việc tạo ra những so sánh giữa chúng để dẫn đến những suy luận mới trong những hoàn cảnh mới.

Bản chất của thần học là tìm hiểu, suy tư về các vấn đề siêu nhiên và thiêng liêng bằng phương diện đức tin. Bất cứ thắc mắc hay câu hỏi có liên quan đến những điều thiêng liêng như thần linh, ma quỷ, thiên đàng, hỏa ngục,... đều liên quan đến thần học. Việc nghiên cứu thần học giúp các thần học gia hiểu biết sâu sắc về truyền thống tôn giáo của họ, truyền thống các tôn giáo khác, tư tưởng thần học chứa đựng trong thần thoại các tộc người, nó có thể giúp các thần học gia khám phá sự tự nhiên của thần học ngoài các suy luận tới truyền thống riêng biệt. Thần học có thể được sử dụng để lưu truyền, phục dựng, biện minh cho 1 truyền thống tôn giáo hoặc nó có thể được dùng để so sánh, thách thức hay chống lại 1 truyền thống tôn giáo. Thần học cũng có thể giúp các thần học gia chuyển tải những tình huống hiện thời hay điều cần thiết qua 1 truyền thống tôn giáo, hoặc tìm ra những cách thức có thể để lý giải thế giới.

Xét theo tôn giáo thì có thần học Do Thái giáo, thần học Ki-tô giáo, thần học Hồi giáo, thần học Ấn Độ giáo. Trong thần học Ki-tô giáo có thần học Công giáo, thần học Tin Lành, thần học Chính Thống giáo, thần học Anh giáo. Những suy tư về thần linh của các triết gia Hy Lạp cổ đại cũng có thể coi là suy tư thần học.